Làng xe đạp Việt Nam phải nói như truyện kiếm hiệp của Kim Dung , hận thù triền miên từ đời nảo đời nao vẫn còn chưa trả hết , khác " môn phái " thì nợ ân oán khỏi phải nói rồi , kể cả cùng " môn phái " cũng không yên , rồi võ công , bí kíp đều được " thi thố " trên đường đua thiên lý , bất kể đối thủ bể đầu , gãy " xế" như thế nào , kể cả chơi " kung-fu" luôn hay xách " hàng " tìm thanh toán , kể cả " sư phụ " sướng là ...chìu ông luôn , đúng là loạn giang hồ xe đạp Việt Nam .
Việc các cua-rơ tên tuổi trong làng xe đạp như Trương Quốc Thắng, Nguyễn Nam Cực, Trịnh Phát Đạt... ẩu đả nhau ngay tại giải đấu quốc tế là một hình ảnh đáng xấu hổ của thể thao VN. Thực tế, hành động trên là sự bùng phát của những mâu thuẫn tích tụ nhiều năm qua.
Hiềm khích vì quyền lợi
Trong quá khứ, vụ choảng nhau tai tiếng nhất của các cua-rơ xảy ra tại Cúp truyền hình TP.HCM 1999. Ở chặng đua Nha Trang - Phan Rang, do bất mãn nhau trên đường đua nên khi về đến đích, 2 cua-rơ Nguyễn Hữu Hiền (An Giang) và Đỗ Thành Đạt (CSG) đã lao vào đánh nhau, kéo theo sự tham gia loạn đả của nhiều VĐV khác. Ngay sau đó, Nguyễn Hữu Hiền đã bị đuổi khỏi đoàn đua.
Khi HLV người Nga Yuri Dmitriev đến với xe đạp VN trong vai trò Giám đốc kỹ thuật, những xung đột của các cua-rơ trong đội tuyển lại diễn ra gay gắt hơn. Trong cách thức huấn luyện, ông Dmitriev thường ưu tiên luyện "gà nòi", cụ thể là ông thường có giáo án riêng cho Mai Công Hiếu (thực chất trong đội tuyển chỉ mình Hiếu có đủ khả năng tranh chấp huy chương quốc tế ở nội dung cá nhân tính giờ). Do không thông hiểu, nên 2 VĐV khác trong đội tuyển là Trịnh Sang Đông và Trịnh Phát Đạt thường tỏ thái độ không bằng lòng trong các buổi tập. Dù bộ ba Hiếu - Đạt - Đông cùng bảo vệ màu áo Domesco Đồng Tháp, nhưng họ lại như "sừng với đuôi". Tại Cúp xe đạp đồng bằng sông Cửu Long 2002, Hiếu và hai anh em Đông - Đạt liên tục cự nhau trên đường đua, nếu BTC không can thiệp kịp thời thì đã xảy ra ẩu đả.
Mâu thuẫn giữa Trương Quốc Thắng và Trịnh Phát Đạt cũng xuất phát từ đội tuyển. Do không hài lòng vì xe thi đấu không tốt bằng các VĐV khác nên Thắng đã phản đối ra mặt. Thời gian Thắng còn tập trung đội tuyển, do không tuân thủ kỷ luật nên đã từng bị BHL trả về địa phương 6 tháng. Khi được gọi trở lại, Trương Quốc Thắng đã "thể hiện" bằng chiếc xe đua mới có giá hơn 5.000 USD. Ở Cúp truyền hình 2002, Trịnh Phát Đạt đã phá "cú ăn ba" của Trương Quốc Thắng khi anh hợp sức giúp Nguyễn Hữu Hiền đoạt áo đỏ. Lúc đó, Trương Quốc Thắng đã photo bài báo viết về sự kiện này dán ở phòng như một cách nhắc nhở về "mối hận" này. Từ đó, Thắng và Đạt tuy cùng tập luyện và thi đấu chung với nhau nhưng chẳng ai nói với ai một lời nào. Ở Cúp truyền hình 2005 , Thắng và Đạt một lần nữa tranh chấp quyết liệt danh hiệu áo đỏ, nhưng cuối cùng Thắng lại thua.
Mâu thuẫn giữa Trịnh Phát Đạt và Nguyễn Nam Cực thì lại xuất phát ở cuộc đua "Về Điện Biên Phủ 2004". Ở chặng cuối, dù bị té gãy tay, nhưng Nam Cực vẫn cố nén đau về đích với mục đích bảo vệ danh hiệu đồng đội cho Cảng Sài Gòn -Tiến Đạt. Nhưng do các cua-rơ Đồng Tháp bám theo quyết liệt nên đã xảy ra xô xát nhau trên đường đua. Sau đó, 2 cua-rơ của Cảng Sài Gòn - Tiến Đạt đã xách dao đi tìm đội Đồng Tháp, nhưng đã bị phát hiện và can ngăn.
Những mâu thuẫn đó cứ âm ỉ và lớn dần lên sau mỗi cuộc đua, và bùng phát bằng vụ đánh nhau ở Tour Thái Lan 2005 ngay trước mắt bè bạn quốc tế.
Giải vô địch xe đạp Tour Thái Lan mở rộng 2005 kết thúc vào ngày 11.5 tại Thái Lan. Tuyển thủ quốc gia VN Trịnh Phát Đạt đã xuất sắc đoạt hạng ba chung cuộc trước 20 đội tuyển của 15 quốc gia là một thành công lớn của xe đạp VN. Tuy nhiên, sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi các VĐV của VN lại lao vào đánh nhau ngay tại đích đến trước hàng nghìn khán giả và giới báo chí quốc tế, để lại hình ảnh xấu về VN.
Theo lời kể của trọng tài Lâm Văn Thanh, ở đích đến chặng cuối cùng, VĐV Trương Quốc Thắng (TP.HCM) đã lao vào ẩu đả với Trịnh Phát Đạt, sau đó là cuộc ẩu đả tập thể của các VĐV VN khiến các đoàn bạn nhìn trố mắt không hiểu chuyện gì xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi, Trịnh Phát Đạt cho biết: "Trương Quốc Thắng và tôi có xích mích với nhau từ Cúp Truyền hình TP.HCM 2005, nhưng tôi nghĩ mọi chuyện đã xong vì anh em đã gắn bó với nhau ở đội tuyển quốc gia nhiều năm. Nhưng không ngờ ở chặng đua cuối Tour Thái Lan vừa kết thúc, Trương Quốc Thắng và Nguyễn Nam Cực lại tìm cách gây hấn với tôi. Tôi càng không ngờ khi vừa về đến đích lại bị đánh hội đồng trước đông đảo mọi người.
Ngoài Thắng và Cực còn có cả Mai Nguyễn Hưng và Nguyễn Huỳnh Hiếu lao vào đánh tôi". HLV trưởng đội tuyển quốc gia Trần Văn Quýt cũng bức xúc: "Tôi thật không ngờ các VĐV lại hành xử nông nổi như vậy ở một giải đấu quốc tế. Khi HLV phó đội tuyển quốc gia Nguyễn Huy Hùng lao ra can ngăn, thì Nguyễn Huỳnh Hiếu lại dùng chiếc giày nện thẳng vào mặt khiến anh Huy Hùng bị choáng váng.
Ý kiến chuyên môn
Trao đổi với ông Võ Hoàng Phong - nguyên HLV đội tuyển xe đạp VN nói: "Nếu so về thực lực thì xe đạp VN không thua các đối thủ trong khu vực, nhưng do chúng ta không đoàn kết bằng họ, nên mỗi lần thi đấu quốc tế, chẳng ai chịu nhường ai nên cứ thua tan tác. Ngoài lý do hiềm khích nhau vì quyền lợi cá nhân, nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn do họ thường ăn thua nhau trong màu áo câu lạc bộ. Thắng - Đạt - Hiếu - Cực đều là "sao" trong làng xe đạp VN, nên họ luôn cạnh tranh nhau quyết liệt trên đường đua mỗi khi khoác áo CLB, chính vì thế lúc trở lại đội tuyển, tất cả đều ganh nhau và cứ thế hiềm khích tăng dần lên".
Gọi điện cho Trưởng bộ môn xe đạp Ủy ban TDTT Nguyễn Đức Cường về việc VĐV VN đánh nhau ở Thailan sau khi về đến VN , chỉ nhận được câu trả lời: "Tôi đang đi học nên chưa biết được thông tin gì...". hết biết phải không các bạn !
Dưới đây là 1 ý kiến của một fan hâm mộ xe đạp VN vào lúc có thông tin dân xe đạp đánh nhau ở Thailand năm 2005
“Tôi rất thất vọng về các VĐV này. Họ đa phần là những VĐV có tiếng tăm vậy mà hành xử không khác gì những đứa trẻ thiếu suy nghĩ. Cho dù mâu thuẫn của họ có là gì đi nữa, thì khi ở đấu trường quốc tế, sự tự trọng và danh dự Tổ quốc không cho phép họ làm như vậy. Tôi xấu hổ thay cho họ. Thiết nghĩ, Liên đoàn xe đạp VN, Ủy ban TDTT VN cần phải có biện pháp thật mạnh xử phạt những VĐV này...”.
Trần Ngọc Khánh
(bạn đọc từ ĐH Quốc gia Singapore)